![](/uploads/images/banner/main.gif)
Ngày 23/4, Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến "Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể".
Các đồng chí: Cao Xuân Thu Vân, Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể; Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể chủ trì hội thảo.Dự hội thảo tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Lê Thị Tâm, UVBTV Liên minh HTX Việt Nam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành, ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Bình và các HTX, Quỹ tín dụng thành viên.
Những năm qua, khu vực kinh tế tập thể có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tính đến hết năm 2023, cả nước có 30.698 HTX, 137 Liên hiệp HTX và 71.500 tổ hợp tác. Số HTX thành lập mới năm 2023 là 2.986 HTX, bình quân đạt 250 HTX thành lập mới/tháng. Tuy nhiên, một bộ phận lớn HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị còn yếu.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay là vấn đề vốn. Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, 10% HTX được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Số liệu khảo sát trên 300 HTX thì đến 80% HTX phải vay ở thị trường phi chính sách và hệ thống tín dụng ngoài với lãi suất cao, thời gian ngắn, chủ yếu phục vụ cho việc đáo nợ, chờ vốn tín dụng.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, HTX, vốn tín dụng được xem là yếu tố quyết định. Do đó, cần hoàn thiện hệ thống chính sách cũng như tìm ra giải pháp tháo gỡ về nguồn vốn cho HTX.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia đã tập trung thảo luận, giải quyết 3 nhóm vấn đề, gồm đánh giá một cách toàn diện về thực trạng tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể; phân tích khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân trong tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể. Từ đó đề xuất các giải pháp để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng cho phát triển kinh tế tập thể trên cả nước./.
Nguyễn Phượng- Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Ninh Bình
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?