![](/uploads/images/banner/main.gif)
Với một HTX mới thành lập 2 năm, thì mô hình trồng ớt và cây lúa mì đang là hướng đi đúng sau nhiều lần thử thách. Đó là HTX sản xuất và thương mại dược liệu Sơn Lai do ông Nguyễn Đức Chinh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX.
Đứng chân trên địa bàn xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, HTX sản xuất và thương mại dược liệu Sơn Lai đã trải qua nhiều vụ, ứng dụng nhiều loại cây trồng từ cây dược liệu, cây lấy củ, trồng rau, đậu, khoai lang với diện tích ban đầu hơn 7ha, nhưng vẫn chưa đem lại kết quả như mong đợi. Ông Nguyễn Đức Chinh chia sẻ, ông đã từng sống hơn 60 năm và chứng kiến vùng đất Sơn Lai với các loại cây trồng xưa nay đều chủ yếu tập trung vào cây Lạc, Ngô, Khoai Lang, Đậu là chính, do vậy việc thành lập HTX để tìm hướng đi mới, tiến bộ hơn, có giá trị kinh tế hơn là điều khó khăn, nan giải, từ việc tập quán canh tác của người dân, thành viên đến điều kiện kinh tế để đầu tư… Do vậy, ông mạnh dạn đứng ra vay vốn, liên kết với các đối tác doanh nghiệp, HTX có cùng ngành nghề, cùng hợp tác đầu tư để đưa vào trồng 3,6 ha cây ớt và 10 ha cây lúa mì bước đầu đã đem lại nguồn thu tương đối tốt. Hiện nay đang bước vào thời kỳ thu hoạch ớt, theo tính toán 1 sào ớt trồng được 700-800 cây, mỗi cây cho thu hoạch 1-1,5kg, năng suất ước đạt 1 tấn/sào, với giá bán xuất hiện nay là 19.000 đồng/kg quả chín (mỗi ngày thu được 1 tấn quả). Sau khi trừ chi phí mỗi sào thu lãi 10 triệu đồng. Trung bình mỗi ngày HTX thuê 10 – 20 lao động địa phương tiến hành thu hái ớt. Đối với cây lúa mì đang sinh trưởng tốt và có thể sẽ đem lại giá trị rất cao so với các loại cây trồng trước đây, là loại cây được trồng và thu mua dạng sinh khối, thương lái đặt hàng thu mua từ gốc, do đó HTX chỉ tập trung chăm sóc theo đúng quy trình để có thể đem lại khối lượng lớn nhất có thể.
Về thăm mô hình, đồng chí Bùi Đức Ngọc, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh bày tỏ sự khâm phục nỗ lực của HTX cũng như cá nhân ông Chinh; với những kết quả ban đầu, đồng chí đã động viên HTX đánh giá sát thực tính hiệu quả, những khó khăn trong sản xuất và kinh nghiệm tiếp cận cũng như hợp tác đầu tư với các Doanh nghiệp, HTX có nhu cầu đặt hàng để từng bước nghiên cứu mở rộng quy mô nhằm tiếp tục tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên, cho HTX và khuyến khích các hộ dân trên địa bàn cùng sản xuất, từng bước chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp địa phương ngày càng phát triển kinh tế bền vững…
Đinh Thái PTT.
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?