CHÀO MỪNG 95 NĂM THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Thứ Tư, 12/02/2025

Xây dựng chuỗi giá trị hướng đi bền vững cho các sản phẩm địa phương.

Thứ Tư, 25/12/2024

Phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, cùng với định hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng chủ lực của tỉnh, những năm gần đây, các hợp tác xã, tổ hợp tác đã xây dựng được nhiều thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng để từ đó góp phần tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, xa hơn là hướng đến xuất khẩu.

Hợp tác xã Gốm Bồ Bát (xã Yên Thành, huyện Yên Mô) nổi tiếng bởi những sản phẩm tinh xảo và đã được tôn vinh là sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu cấp quốc gia, trở thành bước đệm khẳng định thương hiệu trên thị trường đồ gốm truyền thống và được xếp hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 4 sao của tỉnh Ninh Bình.

Để tạo nét riêng cho các sản phẩm gốm, nghệ nhân Phạm Văn Vang đã đưa các hoa văn, họa tiết liên quan tới các giá trị lịch sử của mảnh đất cố đô Hoa Lư vào các sản phẩm nhờ đó, gốm Bồ Bát đã được nhiều khách hàng lựa chọn, tìm mua không chỉ để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày mà còn là sản phẩm để biếu, tặng mang nét riêng có của tỉnh Ninh Bình.

Sản phẩm gốm Bồ Bát đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và một số tỉnh ở miền Trung, miền Nam. Việc phục dựng làng nghề gốm Bồ Bát đã mang đến sự khởi sắc cho đời sống của người dân nơi đây, mang đến công ăn việc làm và cả niềm tự hào cho địa phương.

Năm 2014, ngay khi vừa tốt nghiệp đại học, anh Vũ Trung Đức đã quyết định trở về quê hương và thành lập nên hợp tác xã Sinh Dược chuyên sản xuất các sản phẩm như xà bông, muối tắm từ các bài thuốc cổ truyền đã được lưu truyền trong suốt nhiều thập kỷ tại xã Gia Sinh.

Đến nay, sản phẩm dược liệu của Hợp tác xã Sinh Dược không chỉ nổi tiếng với những sản phẩm mang thương hiệu thảo dược bản địa mà còn được khách du lịch biết tới là một điểm du lịch giới thiệu về nét văn hóa lịch sử độc đáo của địa phương.

HTX nông nghiệp Vân Trà (xã Yên Thắng huyện Yên Mô) được Liên minh HTX tỉnh Hỗ trợ xây dựng mô hình chuỗi từ tháng 10 đến tháng 12/2022 với tổng kinh phí là 700 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng, còn lại vốn của HTX. Hiện HTX đã xây dựng được nhà xưởng và mua sắm, lắp đặt hệ thống máy sấy lạnh, máy nghiền, máy rửa, máy vắt, máy in, máy đóng gói bao bì sản phẩm phục vụ việc chế biến sản phẩm bột rau má. Thông qua việc hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi đã giúp HTX nông nghiệp Vân Trà đảm bảo được đầu ra cho nông sản, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như giá trị trên 1 đơn vị diện tích canh tác. Hiện tại sản phẩm bột rau má đã trở thành sản phẩm OCOP 3 sao được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Tháng 4/2023, HTX dược liệu Việt, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn được thành lập với 9 thành viên, chuyên sản xuất các loại nấm đông trùng hạ thảo. HTX đã đầu tư hệ thống nhà xưởng hiện đại gồm 4 phòng nuôi, 1 phòng cấy vi sinh cho ra các sản phẩm có hàm lượng dưỡng chất quý và giá trị thương phẩm cao, chính vì thế được nhiều người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn. Cùng với đó, được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng lắp đặt máy sấy thăng hoa. Qua đó, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đây là mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, toàn tỉnh có 62 HTX, 2 Liên hiệp HTX phát triển theo chuỗi giá trị. Lợi ích mang lại là: chi phí sản xuất, kinh doanh giảm từ 10 - 15%, doanh thu tăng thêm 20 - 25%. Lợi nhuận cũng cao hơn từ 25-35%.

Xây dựng chuỗi giá trị là một trong những giải pháp quan trọng để hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm; phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Do đó, thời gian tới Ninh Bình sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ HTX về kỹ năng quản trị, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, kết nối thị trường; hỗ trợ HTX tiếp cận vốn, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

Nguyễn Phượng- Phòng Tuyên truyền

Khảo sát

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào ?